Hiện sản phẩm nhựa Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 160 quốc và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt rất được ưa chuộng ở các thị trường lớn và khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản,… Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và yêu cầu chuyển đổi xanh được quan tâm hàng đầu, ngành nhựa Việt Nam đã ghi nhận những dấu ấn tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024. Theo đà tăng trưởng, dự báo trong năm 2025, ngành nhựa nước ta sẽ tiếp tục phát triển mạnh và đạt được những thành tựu đáng mong đợi.
1. Tổng kết Tình hình Ngành Nhựa Việt Nam năm 2024
Các báo cáo kinh tế chính thức của Chính phủ được tổng hợp trong các ấn phẩm của Tổng cục Thống kê (GSO), cho thấy nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong năm 2024. Trong đó, sản lượng nhựa Việt Nam 2024 ước tính đạt khoảng 11,65 triệu tấn với doanh thu ngành lên tới 31 tỷ USD.
Đặc biệt, Ngành nhựa nước ta được chia thành các phân khúc chính như:
- Nhựa bao bì (khoảng 35%) – đóng vai trò chủ đạo trong xuất khẩu.
- Nhựa kỹ thuật (18%) – được ứng dụng trong các ngành công nghiệp như ô tô, điện tử, và y tế.
- Nhựa gia dụng (22%) – phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa.
- Nhựa xây dựng (25%) – tập trung sản xuất ống nhựa và vật liệu xây dựng.
Để đạt được những thành tựu nổi bật trong năm 2024, ngành nhựa Việt Nam đã trải qua rất nhiều thách thức xen lẫn cơ hội. Cụ thể:
Thách thức:
- Phụ thuộc nguyên liệu: Khoảng 70–80% nguyên liệu nhựa hiện nay phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đó cũng là lí do chính khiến ngành dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá dầu và tỷ giá.
- Áp lực môi trường: Các yêu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường đã và đang đặt ra những thách thức lớn về mặt đầu tư công nghệ và đồng bộ về máy móc, trang thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất nhựa.
- Cạnh tranh quốc tế: Các đối thủ từ Trung Quốc và Đông Nam Á đang ngày càng tăng cường đầu tư về mặt chất lượng và công nghệ, gây áp lực cạnh tranh mạnh mẽ.
Cơ hội:
- Xuất khẩu mở rộng: Các hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP, RCEP) tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường xuất khẩu mở rộng. Lúc này, nếu có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn, cơ hội phát triển và bứt phá là điều chắc chắn
- Đầu tư vào công nghệ xanh: Xu hướng sản xuất xanh, tái chế và nhựa sinh học hứa hẹn nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, giúp phát triển sản phẩm theo hướng bền vững.
- Tăng trưởng nội địa: Sự phát triển của tầng lớp xã hội, dân trí tăng lên và nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nhựa cả trong nước và quốc tế.
2. Những Chuyển Đổi Tích Cực của Ngành Nhựa Việt Nam năm 2025
Gia tăng về sản lượng và doanh thu
Dựa trên xu hướng tăng trưởng ổn định của năm 2024 và các số liệu từ GSO, dự báo cho năm 2025 cho thấy sản lượng nhựa có thể đạt khoảng 12–13 triệu tấn. Doanh thu ngành dự kiến sẽ tăng từ 5–8% so với năm 2024 nhờ vào việc mở rộng quy mô sản xuất và cơ hội xuất khẩu từ các hiệp định thương mại.
Đổi Mới Công Nghệ và Chuyển Đổi Số
Các doanh nghiệp sẽ đầu tư mạnh vào tự động hóa và số hóa dây chuyền sản xuất để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí.
Đặc biệt, công nghệ sản xuất ép đùn đang chiếm ưu thế trong ngành nhựa Việt Nam. Công nghệ này được sử dụng để sản xuất các sản phẩm như: ống PVC, PE, cửa nhựa và các sản phẩm xây dựng khác. Ưu điểm của công nghệ ép đùn là chi phí sản xuất thấp và thời gian gia công nhanh, mặc dù độ chính xác không cao và chỉ phù hợp với các sản phẩm có tiết diện đồng nhất.
Ngoài ép đùn, một số công nghệ cao như: đúc thổi và ép phun cũng đang được áp dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp nhựa Việt Nam. Những công nghệ này giúp cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả sản xuất. Việc áp dụng công nghệ 4.0 và tự động hóa trong sản xuất cũng đang được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, áp lực bảo vệ môi trường sẽ thúc đẩy các giải pháp sản xuất xanh, phát triển sản phẩm tái chế và nhựa sinh học, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Đa Dạng Hóa Nguồn Nguyên Liệu
Không thể phủ nhận triển vọng sáng của ngành nhựa, nhưng theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất vẫn là về nguồn nguyên liệu. Nhận thấy tiềm năng và dư địa phát triển lớn, trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp nhựa đã chủ động đầu trang thiết bị máy móc và công nghệ để gia tăng sản lượng sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Để giảm rủi ro do phụ thuộc vào nhập khẩu, ngành nhựa vẫn cần đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển nguồn nguyên liệu nội địa hơn nữa cũng như thiết lập các mối quan hệ hợp tác quốc tế bền vững.